Caitlin không hiểu sao mình dễ bị chú ý đến vậy. Chiều cao một mét sáu lăm cũng chưa phải là ấn tượng, cùng mái tóc và đôi mắt nâu (dáng vóc và cân nặng bình thường). Ở độ tuổi mười tám cô cảm thấy mình giống như bao cô gái khác với nhan sắc không quá nổi trội, chỉ là trông có vẻ già dặn hơn đôi chút.
Có những thứ khác. Cô biết, trong sâu thẳm, cảm nhận thấy mình khác biệt, những thứ mà khiến mọi người luôn phải nhìn lại. Nhưng cô chưa mường tượng chính xác là gì.
Nếu điều gì tệ hại hơn ngày đầu tiên nhập trường, thì chính là giai đoạn giữa kỳ, sau khi mọi người đã có mối gắn kết. Hôm nay, trong ngày đầu tiên đến ngôi trường này, một ngày giữa tháng Ba, sẽ là một trong những thời điểm chán ngán nhất mà cô dự cảm được.
Dẫu có nằm mơ, cô cũng không nghĩ nó tồi tệ như này. Chẳng thứ gì quen thuộc—và rất thân thuộc với cô—giúp cô chuẩn bị tinh thần cho những điều này.
Caitlin đứng bên ngoài ngôi trường mới, một ngôi trường công thuộc Thành phố New York rộng lớn, trong sớm tháng Ba lạnh giá, tự hỏi, Tại sao mình phải đến nơi này? Cô ăn vận sơ sài, với độc chiếc áo len cùng đôi tất chân dài, chưa kịp chuẩn bị tâm lý cho cảnh tượng ồn ào náo nhiệt đang chào đón mình. Hàng trăm học sinh đang chơi ở đó, la hét ầm ĩ và xô đẩy lẫn nhau. Giống hệt như cảnh tượng trước sân tù vậy.
Khung cảnh quá ồn ào. Lũ học sinh cười xả ga, chửi thề loạn xạ và xô đẩy nhau thô bạo. Có lẽ cô sẽ nghĩ đây là một cuộc ẩu đả lớn nếu không thấy nụ cười trêu chọc trên gương mặt bọn chúng. Bọn chúng quả là nhiều năng lượng, còn cô, với bộ dạng thiếu sức sống, người lạnh cóng, mệt mỏi vì thiếu ngủ, ngơ ngác chẳng hiểu gì. Cô nhắm mắt lại, mong tình trạng này sẽ qua nhanh thôi.
Cô luồn tay vào túi tìm thứ gì đó: chiếc Ipod của cô. Ðúng rồi. Cô nhét tai nghe vào tai rồi mở lên. Cần phải làm gì đó để xua mọi thứ ra khỏi đầu. Nhưng không thấy tiếng nhạc phát ra. Cô nhìn xuống và nhận ra máy đã hết pin. Hay ho thật.
Cô kiểm tra điện thoại, hi vọng thứ gì đó làm mình quên đi thực tại, bất kỳ thứ gì. Không có tin nhắn mới nào.
Cô nhìn lên. Thấy toàn những gương mặt lạ lẫm, lòng cảm thấy cô độc. Không phải bởi mình người da trắng độc nhất—thực tình thì cô thấy hãnh diện vì điều đó. Một số đứa bạn thân nhất của cô ở trường khác cũng là dân da đen, Tây Ban Nha, Châu Á, thổ dân Mỹ—cùng vài đứa da trắng bần tiện chơi kiểu ngoài mặt thì thân thiết còn trong lòng thì đố kỵ ganh ghét. Không, chắc là không phải điều này. Cô cảm thấy lạc lõng chắc vì đây là chốn thành thị. Cô đứng trên đường bê tông. Tiếng chuông báo hiệu như cảnh tỉnh bản thân cô đang ở “chốn giải trí”, rồi cô phải đi qua một cánh cổng sắt lớn. Và giờ cô đã ở trong chiếc lồng có cánh cửa sắt, trên cùng có dây thép gai quây quanh. Cô thấy như mình đã đi vào chốn lao tù.
Ngước nhìn ngôi trường rộng lớn, trên toàn bộ những cánh cửa sổ đều có các chắn song và ô cửa, cũng không làm cô thấy khá hơn. Thường thì cô dễ dàng thích nghi khi đến một ngôi trường mới, dù lớn hay nhỏ—nhưng đó là những ngôi trường ở vùng ngoại ô. Tất cả những nơi đó đều có những thảm cỏ, cây cối và bầu trời quang đãng. Ở đây, chẳng có gì ngoài cái mác thành phố. Cô cảm giác ngột ngạt, khó thở. Mọi thứ đều kinh khủng đối với cô.
Tiếng chuông báo hiệu nữa vang lên và cô lê bước trên đường, cạnh đó là hàng trăm học sinh, đổ xô về phía những lối vào. Cô bị một nữ sinh to lớn xô đẩy một cách thô bạo, và làm rơi cuốn nhật ký. Cô nhặt nó lên (tóc xõa tung che cả khuôn mặt), ngước lên nhìn đợi chờ một lời xin lỗi từ cô gái đó. Nhưng nàng ta đã mất hút, hòa lẫn vào trong đám đông, rồi cô nghe thấy những tiếng cười, không biết có phải dành cho mình hay không.
Cô ôm chặt cuốn nhật ký vào lòng, kỷ vật đã ghi lại những dấu ấn về cô. Nó đã theo cô khắp mọi nơi. Những dòng ghi chú và những bản vẽ về những nơi cô ghé từng qua. Quyển nhật ký là hành trình tuổi thơ của cô.
Cuối cùng cô cũng đến chỗ lối vào, và phải ép chặt người để bước qua. Giống như bước vào chuyến tàu trong giờ cao điểm vậy. Cô hi vọng vào trong sẽ ấm ấp hơn, nhưng cánh cửa mở thông thốc phía sau làm cô lạnh cứng người khi có những cơn gió nhẹ xuyên qua người chạy dọc sống lưng, làm cho cái lạnh càng tồi tệ hơn nữa.
Hai nhân viên an ninh to lớn đứng chắn lối vào, hỗ trợ mỗi bên là hai nhân viên cảnh sát Thành phố New York vũ trang đầy đủ, để lộ súng đeo bên hông.
“ÐI TIẾP ÐI!” một trong số họ ra lệnh.
Cô không hiểu tại sao lại có hai nhân viên cảnh sát đi kèm vũ trang đầy đủ đứng gác ở lối vào trường trung học làm gì. Nỗi sợ hãi về chết chóc trong cô tăng dần. Tệ hơn nữa là khi cô quan sát thấy phải đi qua chiếc máy dò kim loại có nhân viên an ninh như ở sân bay.
Thêm bốn cảnh sát vũ trang đầy đủ đứng ở hai bên chiếc máy dò kim loại, tiếp đến là hai nhân viên an ninh nữa.
“BỎ TẤT CẢ ÐỒ ÐẠC RA NGOÀI!” một nhân viên ra lệnh.
Caitlin chú ý thấy những đứa khác lấy đồ từ túi của chúng ra để vào trong chiếc hộp nhựa dẻo. Cô nhanh chóng làm theo, cho ipod, ví, chìa khóa của mình vào trong hộp.
Cô bước qua máy dò tín hiệu, chuông báo động ré lên.
“CÔ!”